Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ điều lớn lao, mà có thể là ý tưởng giải quyết vấn đề thường nhật.

Chia sẻ tại chương trình "Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm VNUA 2022", do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 17/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý tưởng khởi nghiệp của thế hệ trẻ.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng khởi nghiệp cần dựa trên ba chủ lực: đào tạo năng lực, môi trường và vốn "là khâu đột phá cho khởi nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới". Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ nhưng đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ. "Cần có góc nhìn mới về khởi nghiệp. Ở đó các bạn trẻ cần có khát vọng sẵn sàng khởi nghiệp nhưng cũng có ý chí kiên cường, bản lĩnh để đối mặt thất bại".

Ông cho rằng các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp cần hỗ trợ vật chất, tinh thần để sinh viên vượt qua thất bại.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại sự kiện sáng 17/8. Ảnh: VNUA

Năm 2021, Việt Nam xếp 44/132 quốc gia về nền kinh tế đổi mới sáng tạo toàn cầu, có hơn 1.000 tổ chức năng lực hỗ trợ đổi mới sáng tạo toàn cầu và 100% cơ sở đào tạo hỗ trợ.

Tuy nhiên Thủ tướng cho rằng, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn thiếu nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu công nghệ lõi, vẫn còn tình trạng "được mùa mất giá", thị trường tiêu thụ chưa mở rộng và chế biến sau thu hoạch còn hạn chế.

Bởi vậy, rất cần trợ lực của các trường đại học hàng đầu, chính sách thiết thực gắn với kinh doanh, nghiên cứu khoa học gắn với công nghệ để thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng khoa học công nghệ của Học viện. Ảnh: VNUA

Nhấn mạnh lĩnh vực nông nghiệp giàu tiềm năng và dư địa để các bạn trẻ dấn thân lập nghiệp, Thủ tướng gợi ý khởi nghiệp nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới, gắn sản phẩm đặc thù mỗi địa phương, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm chuyên sâu.

Ông cũng mong muốn gắn kết cộng đồng qua cầu nối tuyển dụng, các cơ sở cần thiết nhận yêu cầu nghiên cứu khoa học từ thực tiễn, lắng nghe tiếng nói của thị trường, để xác định chương trình đào tạo phù hợp; làm tốt hơn nữa những gì xã hội cần.

Đào tạo và nghiên cứu khoa học phải sát với nhu cầu thực tiễn, muốn vậy phải chuyển đổi phương pháp, coi người học là trung tâm. Bên cạnh đó, cần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh sinh viên, giúp thay đổi tư duy dám nghĩ dám làm, có khát vọng lớn.

Với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng ông đề nghị, phải là nơi đặt ra đề bài trong bài toán giáo dục, gắn kết, đồng hành từ dự báo nhu cầu lao động, đặt hàng đào tạo, hỗ trợ ươm mầm sáng tạo. Về phía nhà nước cần hỗ trợ, ươm mầm khởi nghiệp, xây dựng khung pháp lý, tạo cơ chế huy động phù hợp.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho biết nghiên cứu khoa học là sức sống của trường, thúc đẩy hun đúc tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên.

Hiện một số đề án trọng tâm được Học viện phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai để phát triển sản phẩm khoa học công nghệ chủ lực cho doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp spin-off đưa nghiên cứu từ phòng thí nghiệm từng bước ra thị trường.

Tại sự kiện gần 100 doanh nghiệp mang tới cơ hội 3.000 việc làm sinh viên, định hướng nghề nghiệp, truyền cảm hứng sinh viên yêu ngành nông nghiệp.

Như Quỳnh-https://vnexpress.net