Phùng Vân Anh, sinh viên năm 3 - ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) là sinh viên xuất sắc nhận học bổng tài năng của Học viện. Cô gái 21 tuổi nói, qua các hội nghị về đào tạo, sẽ nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó thay đổi quá trình học cho phù hợp để đáp ứng.
Chiều nay, ngày 7/12, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị: "Hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, tổ chức". Bộ trưởng Lê Minh Hoan dự và chỉ đạo.
Tham dự có lãnh đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các trường đại học ngoài Bộ có đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, gồm Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Quảng Bình, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nha Trang, Trường đại học Vinh.
Tham dự còn có các doanh nghiệp, tổ chức đã có sự hợp tác, hỗ trợ cho công tác đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
"Là cơ hội nắm bắt nhu cầu của nhà tuyển dụng"
Trong tiết trời giá lạnh, Phùng Vân Anh, sinh viên năm 3 - Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cùng với các bạn sinh viên có thành tích học tập xuất sắc của Học viện Nông nghiệp Việt Nam hào hứng được tham dự Hội nghị Hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, tổ chức.
Chia sẻ với Dân Việt, cô gái quê Vĩnh Phúc nói: "Hội nghị là cơ hội để chúng em hiểu rõ hơn về thị trường lao động. Đồng thời được lắng nghe những chia sẻ từ các doanh nghiệp, từ đó, em sẽ nắm bắt được những kỹ năng, kiến thức cần thiết mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm và có thể điều chỉnh quá trình học tập của mình để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường".
|
|
Phùng Vân Anh, sinh viên năm 3 - Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong những sinh viên xuất sắc đạt được học bổng tài năng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Bình Minh |
Vân Anh cũng cho biết, qua các buổi tham quan tại doanh nghiệp, sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp và những thử thách mà người làm việc phải đối mặt. Hội nghị hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là một cầu nối quan trọng giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp, từ đó trang bị cho bản thân những hành trang cần thiết để bước vào thị trường lao động.
Chính bởi cái "bắt tay" hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp, Vân Anh đã có cơ hội khi được nhận học bổng tài năng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Tính trong năm học 2023-2024, quỹ học bổng do các doanh nghiệp, tổ chức tài trợ cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam đạt trên 2,9 tỷ đồng.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, năm tốt nghiệp gần nhất, 97% tỷ lệ sinh viên ra trường của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đều tìm kiếm được việc làm. Điều này, góp phần rất lớn đến từ việc hợp tác, liên kết đào tạo của Học viện với các doanh nghiệp. Theo đó, từ năm 2016 – 2023 Học viện đã ký kết gần 1.000 thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế.
|
|
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, từ năm 2016 – 2023 Học viện đã ký kết gần 1.000 thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế. Ảnh: Bình Minh |
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, thời gian qua, từ cấp lãnh đạo đến giảng viên, người lao động của Học viện đều xác định lấy phương châm liên kết, hợp tác là sức mạnh, chất lượng là sự sống còn, nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học; nghiên cứu và đào tạo phải gắn với thị trường và thực tiễn. Từ đó, Học viện đã luôn tìm đến các công ty, doanh nghiệp, địa phương để mở rộng quan hệ hợp tác; nỗ lực quảng bá hình ảnh, năng lực, khả năng của Học viện; đồng thời tiếp nhận nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp để nghiên cứu, đào tạo nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của xã hội.
Trong quá trình hợp tác, Học viện cũng luôn xác định cùng đồng hành, chia sẻ với đối tác; luôn xác định trách nhiệm của mình là phục vụ cộng đồng phục vụ xã hội, không phải lúc nào hợp tác cũng đòi hỏi phải có lợi ích kinh tế trực tiếp ngay mà có thể mang lại nhiều cơ hội, nguồn lực gián tiếp khác cho cán bộ và sinh viên Học viện. Với phương châm đó đã giúp Học viện mở rộng được quan hệ hợp tác và hợp tác bền vững hơn.
Kết quả nghiên cứu của sinh viên phải được áp dụng vào thực tế
Bà Nguyễn Tâm Trang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Greenfeed cho biết, đã hợp tác với hơn 40 trường cao đẳng, đại học trong cả nước, không chỉ là tài trợ học bổng, mà còn từ việc thu hút vào học. Doanh nghiệp đã đồng hành cùng các trường cao đẳng để thu hút sinh viên từ khi các em còn là học sinh phổ thông, cùng đi đến các trường, gặp các phụ huynh, để chia sẻ nghề trong lĩnh vực này thì công việc như nào, thu nhập ra sao. Nếu các phụ huynh thấy ngành nông nghiệp rất vất vả thì đây là cơ hội để giải thích hiện có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp có môi trường làm việc rất tốt, lương trả không thấp hơn lương của doanh nghiệp kinh tế khác.
Khi sinh viên đi thực tập thì không chỉ từ năm cuối, mà từ năm 1 – 2 tập đoàn đã phối hợp để đào tạo, khi đó bảo đảm chỉ cần 3 – 6 tháng khi sinh viên ra trường vào doanh nghiệp làm sẽ bắt nhịp được ngay. Hiện mỗi năm tập đoàn tuyển được khoảng 200 sinh viên đại học, cao đẳng vào làm.
|
|
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam ấn tượng với các sản phẩm khoa học công nghệ của sinh viên Học viện. Ảnh: Dân Việt |
Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch HĐQT ThaiBinhSeeds cho biết, mình đã đến 15 trường đại học trên thế giới thì thấy nghiên cứu khoa học là thế mạnh của các trường bởi vì có thầy cô, có sinh viên, có cơ sở vật chất, có phòng thí nghiệm… Tuy nhiên, việc chuyển giao sản phẩm nghiên cứu là vấn đề mà các nhà trường ở trong nước cần phải tập trung khai thác.
Kết quả nghiên cứu của nhà trường không đơn giản là sản phẩm khoa học, mà đó là sản phẩm về quản trị, về khoa học công nghệ. Cần kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đề ra ý tưởng nghiên cứu từ đầu rồi cùng triển khai thực hiện. Như đơn vị của ông có nhiều sản phẩm được chuyển giao từ Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long hay các trường đại học giờ trở thành giống chủ lực trong sản xuất lúa ở Việt Nam.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông Báo đề xuất, để tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, các nhà trường cần căn cứ vào khả năng nghiên cứu trong từng lĩnh vực và lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức có khả năng triển khai kết quả nghiên cứu đó; hoặc lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức có khả năng kết hợp nghiên cứu, đặt hàng để cùng nghiên cứu, sau đó chuyển giao. Như vậy, kết quả nghiên cứu, đào tạo của nhà trường sẽ gắn với thực tiễn.
|
|
Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho hay, doanh nghiệp sắp tới sẽ liên kết với trường Đại học Cần Thơ trong đào tạo và nghiên cứu. Ảnh: Bình Minh |
Còn Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho hay, trước đây, khi sinh viên tốt nghiệp về làm việc tại doanh nghiệp thường phải mất 6 tháng đến một năm mới “biết việc”. Như vậy, doanh nghiệp cần thời gian, chi phí để đào tạo lại.
Tuy nhiên, từ khi tập đoàn hợp tác với các trường đại học, trong đó có trường Đại học Nha Trang để đào tạo 100 sinh viên mỗi năm, khi sinh viên ra trường và về tập đoàn làm việc đã nhanh chóng bắt nhịp công việc. Tới đây, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hợp tác với trường Đại học Cần Thơ trong đào tạo và nghiên cứu, để đáp ứng theo yêu cầu, đòi hỏi thực tế của doanh nghiệp.
|
|
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, hợp tác liên kết đào tạo không đơn thuần chỉ là lợi ích của hai bên mà quan trọng hơn, đó là cần phải đặt lợi ích vì quốc gia, vì dân tộc. Ảnh: Bình Minh |
Ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sự hợp tác này cần phải đặt lợi ích vì quốc gia, vì dân tộc, chứ không đơn thuần chỉ là lợi ích của hai bên.
Theo Bộ trưởng, việc vun trồng cho thế hệ tương lai là trách nhiệm, bổn phận của quốc gia, dân tộc, và doanh nghiệp cũng cần có bổn phận đó. Bộ trưởng mong muốn, các doanh nghiệp hợp tác với các trường cần mang tính bền vững. Đó không chỉ là trao những học bổng, mà còn phải truyền được tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên, giúp đào tạo ra những thế hệ trẻ có tố chất, có tinh thần khởi nghiệp sáng tạo để trở thành những doanh nhân cho đất nước.
"Sự hợp tác không phải bằng không gian vật lý, mà phải bằng tư duy, bằng niềm tin, và cộng hưởng niềm tin vì quốc gia, dân tộc", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
|
|
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam vinh danh các doanh nghiệp, tổ chức đạt thành tích xuất sắc trong việc hợp tác với cơ sở đào tạo. Ảnh: Bình Minh |