Trong những năm qua cơ giới hóa nông nghiệp phát triển nhanh cả về số lượng, chủng loại, góp phần giải quyết khâu lao động nặng nhọc, bảo đảm tính thời vụ, tăng năng suất lao động và giảm tổn thất sau thu hoạch. Tuy nhiên, cơ giới hóa vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa trong thời buổi hội nhập và vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực.
|
|
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị |
Vào lúc 8h ngày 12/06, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp” tại phòng hội thảo Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng áp dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp; tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian vừa qua; đồng thời đề xuất các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đến tham dự hội nghị có ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; ông Nguyễn Trọng Thừa - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối; GS.TS Trần Đức Viên - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; đại diện Văn phòng Chính phủ; ban Kinh tế TW; đại diện các Bộ, Ngành: Tài chính, Công thương; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng NN&PTNTVN; đại diện các trường Đại học, Viện nghiên cứu, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Cà phê - Cacao Việt Nam; các tập đoàn doanh nghiệp; cơ quan thông tấn báo chí…
Mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu khai mạc chỉ đạo. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề cập đến một số bất cập trong triển khai Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Vì vậy, Bộ đang tích cực chỉ đạo các đơn vị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách, nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, trang thiết bị vào nông nghiệp.
Đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Trần Đức Viên cũng cho rằng để chính sách về cơ giới hóa nông nghiệp đi vào thực tiễn, cần có các cơ chế cụ thể; đặc biệt cho ba vị trí quan trọng gồm: doanh nghiệp, nông dân, nhà nghiên cứu. “Nếu không đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong nước thì các doanh nghiệp sẽ chỉ đi nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc về lắp ráp,” Giáo sư nói.
Đoàn chủ tịch gồm: Ông Vũ Văn Tám, Ông Nguyễn Trọng Thừa, Ông Trần Đức Viên đã lên điều hành Hội nghị. Hội nghị đã thông qua các báo cáo: “Đẩy mạnh cơ giới hóa tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối; báo cáo về “Tình hình thực hiện Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ” của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; báo cáo về tình hình “Phát triển thị trường máy, thiết bị phụ vụ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam” do công ty TNHH Kubota Việt Nam trình bày…
Cuối hội nghị các vị đại biểu đã tham luận về một số giải pháp, vấn đề ứng dụng các cơ giới hóa, trang thiết bị vào nông nghiệp. Kết thúc hội nghị các vị đại biểu đi thăm quan các loại máy móc, thiết bị của Kubota, Tamac, khoa Cơ điện…
|
|
Ông Trần Đức Viên – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
|
|
Đại biểu Trình bày báo cáo tại Hội nghị |
|
|
Máy móc trưng bày tại Hội nghị |