Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất nhằm giảm nhân công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Khoa Cơ – Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, luôn là địa chỉ đáng tin cậy về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cán bộ công nhân viên của Khoa đã nghiên cứu hàng trăm mẫu máy ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến.

Hiện nay, Khoa đang tổ chức triển khai nhiệm vụ nghiên cứu hợp tác song phương với Nhật Bản về thiết kế chế tạo máy gieo sạ lúa kết hợp bón phân theo hàng với sự trợ giúp của khí nén. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo ra được máy gieo sạ lúa kết hợp bón phân theo hàng có năng suất 0,8÷1,2 ha/h; gieo cùng lúc 20÷30 hàng, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, giảm chi phí sản xuất, phù hợp với mô hình canh tác lúa theo hình thức gieo sạ đang phổ biến ở Việt Nam, đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn.

Thiết kế, chế tạo thành công 5 hệ thống máy, thiết bị phục vụ cơ giới hóa đồng bộ các khâu canh tác cây đậu tương, đây là một trong những thành tựu đáng chú ý nhất trong 5 năm qua của khoa Cơ – Điện. Hệ thống máy có khả năng ứng dụng rộng rãi, phù hợp với điều kiện canh tác cây đậu tương của Việt Nam.

Máy cắt băm gốc rạ, cho phép việc làm đất, lên luống thuận lợi hơn, phá hủy các ổ dịch trong cây rạ và cắt băm cũng làm cho cây rạ nhanh phân hủy hơn. Máy đã được cấp bằng độc quyền sáng chế năm 2020.

Máy làm đất lên luống tạo rãnh cho phép đảm bảo đất đủ độ nhỏ, tơi, xốp. Băm và xới trộn cây rạ, gốc rạ và các mùn xác thực vật với đất tạo nguồn phân hữu cơ, phá hủy ổ bệnh dịch trong đất. Luống đất thoát nước tốt khi mưa, thuận lợi cho cơ giới hóa khâu gieo.

Máy gieo đậu tương kết hợp với bón phân: Máy gieo dọc theo luống với bề rộng luống 800-1200mm; khoảng cách hàng thuận lợi cho máy chăm sóc. Đạt yêu cầu nông học: mật độ gieo 40-50 hạt/m2 ; độ sâu gieo 2-5cm; lượng phân bón: 20-30kg/sào.

Máy xới vun, làm cỏ chăm sóc cây đậu tương: Máy làm tơi thoáng đất và diệt cỏ gần gốc cây, vun đất từ rãnh lên luống, xới sâu 5- 10cm.

Máy thu hoạch đậu tương: Máy có thể tự hành, thực hiện liên hoàn cắt gom và rải cây thành hàng trên ruộng.

Hệ thống máy cơ giới hóa đồng bộ cây đậu tương (luân canh và chuyên canh) từ khâu cắt băm gốc rạ, làm đất lên luống, chăm sóc và thu hoạch đã nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tăng giá trị sản phẩm từ đậu tương. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thuận lợi hơn (từ lúa sang đậu tương hoặc luân canh lúa - đậu tương). Ứng dụng hệ thống máy cho phép giải phóng được sức lao động thủ công, đặc biệt cần thiết trong những thời điểm nông vụ khan hiếm sức lao động nông thôn do sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp. Làm giảm hiện tượng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường. Máy cắt băm gốc rạ có thể kết hợp việc phun trộn chế phẩm vi sinh hoặc phay trộn gốc rạ vào đất giúp việc phân hủy gốc rạ nhanh chóng, trả lại chất dinh dưỡng cho đất.

Về lĩnh vực bảo quản chế biến, Khoa cũng đã thiết kế, chế tạo thành công thiết bị sấy phun, đây là một trong những thiết bị không thể thiếu trong công nghệ chế biến bột chè xanh hòa tan, tinh chất nghệ, tinh chất vối, tinh chất chùm ngây, tinh chất lá sen, cà rốt,… Dịch lỏng được phun tơi vào trong buồng sấy gặp dòng không khí nóng sẽ được làm khô thành bột trong thời gian rất ngắn (3÷5 giây) do đó sản phẩm không bị ảnh hưởng nhiều bởi nhiệt, giữ được các thành phần quý trong nguyên liệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dễ áp dụng trong thực tiễn sản xuất.


Với sự quyết tâm và nỗ lực vươn lên, Khoa cũng đã nghiên cứu thành công 03 sản phẩm mang thương hiệu Học viện (VNUA) và đã công bố chất lượng: Khoai lang chiên giòn; Tinh chất chùm ngây; Tinh chất vối. Hiện nay Khoa cũng đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công thiết bị cô đặc mật ong kiểu chân không, tuần hoàn cưỡng bức kết hợp phá kết tinh bằng sóng siêu âm. Thiết bị cho phép phá kết tinh và hạ thủy phần mật ong từ 26% xuống 18% trong vòng 60 phút mà vẫn giữ được màu sắc, mùi vị tự nhiên của mật ong.

Trong lĩnh vực tự động hóa, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, Khoa từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo, IoT, xử lý ảnh,… để điều khiển các thông số kỹ thuật và phát hiện sớm các bệnh trên động, thực vật và gửi cảnh báo cho người quản lý biết nhằm đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

Với định hướng thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản của Chính phủ, Khoa Cơ - Điện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ là địa chỉ đáng tin cậy trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho sản xuất.

Nguyễn Thanh Hải, Khoa Cơ - Điện